1. Khái quát
EJU là viết tắt của Examination for Japanese University Admission và tiếng nhật là 日本留学試験, là kỳ thi được tổ chức với mục đích đánh giá năng lực tiếng Nhật và trình độ kiến thức cơ bản của du học sinh người nước ngoài có nguyện vọng theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp của Nhật bản.
Trước đây, du học sinh người nước ngoài muốn du học Nhật Bản, phải trải qua 2 kỳ thi mà nhiều trường đại học của Nhật bắt buộc tham dự là “kỳ thi năng lực tiếng Nhật” và “kỳ thi dành cho du học sinh người nước ngoài”. Nhưng kể từ khi bãi bỏ từ tháng 12 năm 2001, Kỳ thi du học Nhật Bản (EJU) được thay thế và tổ chức ở cả trong và ngoài nước Nhật Bản 2 lần/năm (tháng 6 & tháng 11) bắt đầu từ năm 2002.
Đa số các trường đại học của Nhật sử dụng kết quả thi EJU để xét tuyển nhập học. Như vậy, thí sinh có thể chỉ cần dự thi ở Việt Nam mà không cần trực tiếp sang Nhật thi đầu vào.
2. Môn thi
Những môn thi của EJU là tiếng Nhật, môn khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học), môn khoa học xã hội và toán học. Tuy nhiên, tùy theo yêu cầu của các trường đại học v.v., các thí sinh có thể lựa chọn môn thích hợp để thi. Ngoài ra, có thể lựa chọn ngôn ngữ để thi (tiếng Nhật hoặc tiếng Anh)
Trong kỳ thi du học Nhật Bản EJU, không có khái niệm “đỗ” hay “trượt”, mà chỉ có điểm cao hay điểm thấp. Và các trường đại học sẽ dựa vào điểm số các môn thi của bạn để xét. Tất nhiên là nếu điểm thi của bạn càng cao thì cơ hội đỗ vào trường càng lớn, và hơn nữa, bạn còn có thêm nhiều cơ hội đạt được học bổng của trường hay các tổ chức hỗ trợ giáo dục.
Tuy nhiên, để nộp hồ sơ vào các trường đại học, các bạn du học sinh vẫn cần phải nhìn vào “điểm sàn” hay một khoảng điểm tương đối thuộc “ngưỡng an toàn” để có thể tự đánh giá được khả năng của mình cũng như chọn trường phù hợp nhé!
Để tìm hiểu về các ngưỡng điểm an toàn, trong bài viết này Du học HIMARI xin tổng hợp lại thông tin của kỳ thi EJU năm trước để các bạn du học sinh có thể lập chiến lược ôn thi và chọn trường tốt hơn.
Số liệu được lấy từ báo cáo đăng trên trang web của JASSO. Trong kỳ thi EJU vào tháng 6 năm 2017, có tổng số 19.438 du học sinh tham gia thi tại Nhật và 4.540 thí sinh thi tại các điểm thi ở nước ngoài.
Môn thi tiếng Nhật (thang 400 điểm)
Số thí sinh tham dự: 23.447 người
Môn thi tiếng Nhật gần như là môn bắt buộc cho hầu hết cho sinh viên nước ngoài theo học đại học tại Nhật Bản. Vậy điểm môn tiếng Nhật khoảng bao nhiêu thì đạt?
Để các bạn có thể hình dung cụ thể hơn, chúng ta cùng nhìn vào biểu đồ phân phối điểm thi môn tiếng Nhật để xem cần phải cố gắng thế nào cho mỗi môn thi để có thể “an tâm” vào được trường mình mong muốn nhé!
Biểu đồ 1 – Biểu đồ phân phối điểm thi EJU - môn thi tiếng Nhật
- Điểm trung bình: 244,5 điểm
- Điểm cao nhất: 371 điểm (không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối)
- Điểm thấp nhất: 51 điểm
Theo thống kê kể trên, có tới 56,8% số thí sinh đạt điểm thấp hơn 227,2 điểm. Thông thường, “ngưỡng an toàn” là khi bạn đạt được số điểm cao hơn so với 50% số thí sinh còn lại. Vậy nhìn vào bảng đánh giá này, nếu bạn đạt khoảng 220 điểm là bạn có số điểm cao hơn 50% thí sinh còn lại, đồng nghĩa việc bạn có cơ hội vào những trường đại học yêu cầu nộp điểm môn tiếng Nhật nhiều hơn! Còn nếu bạn đạt khoảng 240 điểm, bạn có số điểm cao hơn 60% những thí sinh còn lại. Khi đó, có thể nói 220 ~ 240 điểm là ngưỡng an toàn để đỗ được vào các trường tầm trung ở Nhật Bản.
Trên đây là điểm số tính toán bằng điểm của riêng kỳ tháng 6/2017. Các bạn nên tham khảo điểm thi của các năm trước nữa để có đánh giá tốt hơn nhé!
Môn thi Viết tiếng Nhật (thang 50 điểm)
Số thí sinh tham dự: 23.448 người
– Điểm trung bình: 33 điểm
– Điểm cao nhất: 50 điểm (điểm tuyệt đối)
– Điểm thấp nhất: 0 điểm
Tương tự như với môn thi tiếng Nhật ở trên, với môn thi viết này, nếu bạn đạt hơn 33 điểm thì có thể coi là qua sàn rồi nhé!
Biểu đồ 2 – Biểu đồ phân phối điểm thi EJU - Môn Viết luận tiếng Nhật
Môn Vật lý (thang 100 điểm)
Số thí sinh tham dự thi: 4.830 người
– Điểm trung bình: 52,1 điểm
– Điểm cao nhất: 95 điểm
– Điểm thấp nhất: 19 điểm
Với môn thi này, thang điểm khác biệt khá rõ ràng, bạn cần đạt từ 52 điểm trở lên để vượt 50% tổng số thí sinh và lọt vào nhóm thí sinh có điểm an toàn để thi vào các trường đại học có khối kỹ thuật.
Biểu đồ 3 – Biểu đồ phân phối điểm thi EJU - Môn Vật lý
Môn Hóa học (thang 100 điểm)
Số thí sinh tham dự: 5.170 người
– Điểm trung bình: 49 điểm
– Điểm cao nhất: 95 điểm
– Điểm thấp nhất: 19 điểm
Điểm sàn môn Hóa học thấp hơn một chút so với môn vật lý, chỉ cần đạt điểm số 50 là bạn đã nằm trong vùng điểm an toàn rồi!
Biểu đồ 4 – Biểu đồ phân phối điểm thi EJU - Môn Hóa học
Môn Sinh học (thang 100 điểm)
Số thí sinh tham dự: 1.523 người
– Điểm trung bình: 61 điểm
– Điểm cao nhất: 92 điểm
– Điểm thấp nhất: 23 điểm
Đối với môn Sinh học các thí sinh có phần nhỉnh hơn, điểm trung bình cao hơn, bạn cần đạt trên 61 điểm để vượt qua các bạn khác dự thi môn này.
Biểu đồ 5 – Biểu đồ phân phối điểm thi EJU - Môn Sinh học
Môn Tổng hợp (thang 200 điểm)
Số thí sinh tham dự: 11.103 người
– Điểm trung bình: 108,1 điểm
– Điểm cao nhất: 198 điểm
– Điểm thấp nhất: 9 điểm
Đây là môn khá khó, đòi hỏi người thi phải nhớ một khối lượng lớn kiến thức xã hội tổng hợp trong nhiều lĩnh vực. Ở môn thi này bạn phải đạt trên 110 điểm để lọt vào top điểm an toàn nhé!
Biểu đồ 6 – Biểu đồ phân phối điểm thi EJU - Môn Tổng hợp
Môn toán 1 (thang 200 điểm)
Số thí sinh tham dự: 10.221 người
– Điểm trung bình 102,5 điểm
– Điểm cao nhất: 193 điểm
– Điểm thấp nhất: 54 điểm
Môn này năm trước khôngcó thi sinh nào đạt điểm tuyệt đối, điểm trung bình cũng thấp, nếu đạt trên 102 điểm là bạn vượt 50% số thí sinh còn lại rồi đó.
Biểu đồ 7- Biểu đồ phân phối điểm thi EJU -Môn Toán 1
Môn toán 2 (thang 200 điểm)
Số thí sinh tham dự: 4.857 người
– Điểm trung bình: 112,3 điểm
– Điểm cao nhất: 200 điểm (điểm tuyệt đối)
– Điểm thấp nhất: 56 điểm
Với môn Toán 2 có vẻ như các bạn đều học rất khá. Bạn cần phải đạt trên 112 điểm thì mới có cơ hội vào các đại học có yêu cầu môn thi này.
Đây cũng là môn mà 1 thầy của Du học Himari đã đạt 193/200 điểm đó các bạn
Biểu đồ 8 – Biểu đồ phân phối điểm thi EJU - Môn Toán 2
Điểm chuẩn của các trường đại học nằm ở mức nào?
Trên đây là điểm sàn để lọt vào nhóm điểm an toàn (tức có thể đỗ đại học). Việc vượt trên điểm sàn không đồng nghĩa với việc bạn đã đủ điểm đỗ được vào đại học. Để chắc chắn vào được trường đại học mình mong muốn, bạn cần biết điểm chuẩn đầu vào của trường đó nữa nhé.
Điểm chuẩn của các trường quốc lập thường có xu hướng cao so với các trường dân lập. Nhìn chung các trường đại học quốc lập và trường dân lập thuộc nhóm trường TOP đều sẽ lấy điểm số môn tiếng Nhật > 340 điểm, các trường hạng trung sẽ lấy số điểm thấp hơn chút nhưng nếu đạt >280 điểm bạn đã có cơ hội cao rồi. Với môn thi Tổng hợp số điểm bạn cần đạt được để vào các trường top là 170 điểm, nếu chỉ đạt trên 120 điểm bạn có thể vào các trường tầm trung bình.
Trên đây Du học HIMARI đã tổng hợp lại giúp các bạn hiểu rõ hơn về kỳ thi EJU, điểm sàn - điểm chuẩn đỗ đại học Nhật Bản. Các bạn còn thắc mắc gì về Kỳ thi EJU hãy liên hệ với Du học HIMARI nhé.
Tham khảo đề thi EJU tại đây nhé
Chúc các bạn học tập và thi tốt!